10 đầu xây dựng Khoa Triết học (1976 - 1986)

Thứ tư - 20/01/2021 22:45
Khác với một số đơn vị trong Trường như: Khoa Lịch sử và Khoa Văn học, buổi đầu thành lập sớm có một đội ngũ khá đông đảo các giáo sư, các nhà giáo, nhà nghiên cứu góp sức xây dựng, Khoa Triết học được thành lập với chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng là gắn nhà trường với việc nghiên cứu, xây dựng một số khoa đào tạo cán bộ lý luận trong hệ thống giáo dục quốc dân từ tiền đề quan trọng là đội ngũ cán bộ các viện thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).
10 đầu xây dựng Khoa Triết học (1976 - 1986)

Thực hiện chủ trương đó, Ban Khoa giáo Trung ương Đảng đã điều động GS. Phạm Như Cương, lúc bấy giờ là Viện trưởng Viện Triết học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam kiêm giữ chức vụ Chủ nhiệm Khoa Triết học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Còn trong biên chế của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày đó chỉ có ba cán bộ chuyển về Khoa công tác là: Thầy giáo Nguyễn Quang Thông, thầy giáo Nguyễn Hữu Vui (chuyển từ Bộ môn Mác - Lênin của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sang) và cô Bành Thị Bường (về Khoa từ Đoàn Thanh niên Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội, cô về hưu và nay đã mất). Sau đó có thêm thầy giáo Nguyễn Đình Xuân từ Viện Triết học về công tác tại Khoa. Giáo viên chủ nhiệm lớp sinh viên khóa 1 của Khoa (K. 21 - Đại học Tổng hợp) là thầy giáo Nguyễn Hữu Vui.

Những ngày đầu, dưới sự lãnh đạo của GS. Phạm Như Cương, các thầy giáo Dương Phú Hiệp, Đặng Xuân Kỳ đã góp nhiều công sức trong việc tổ chức đào tạo của Khoa. Nhiều cán bộ của Viện Triết học như: Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Duy Thông, Nguyễn Tài Thư, Nguyễn Duy Quý, Lê Hữu Tầng, Đỗ Huy Hùng, Nguyễn Trọng Chuẩn, đã tham gia đào tạo những khóa sinh viên đầu tiên của Khoa Triết học.

Cùng với cán bộ của Viện Triết học, nhiều nhà giáo của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã giảng dạy cho sinh viên các khóa đầu của Khoa như các thầy giáo: Hoàng Phương, Trần Đình Hượu, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Kim Đính, Nguyễn Trường Lịch...

Năm 1978, Ban Khoa giáo Trung ương Đảng, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp tiếp tục cử thầy giáo Nguyễn Chí Hiếu từ trường Nguyễn Ái Quốc 5 (sau này nhập vào Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) về giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Khoa.
Cũng vào thời gian đó, các thầy giáo Nguyễn Đồng, Bùi Thanh Quất, Dương Văn Thịnh, Phan Chí Thành và cô Phạm Thị Lý về Khoa công tác.

Những năm này, thầy - trò của Khoa vừa xây dựng chương trình, vừa giảng dạy và học tập. Trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng ngay từ đầu Khoa đã quyết tâm thực hiện phương châm đào tạo gắn lý luận với thực tiễn, gắn công tác đào tạo với sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Các năm sau đó, thầy giáo Đặng Gia Ân, Vũ Viết Mỹ và cô giáo Trần Minh Đức, Hoàng Mộc Lan tiếp tục về công tác tại Khoa.
Năm 1980, thầy giáo Nguyễn Hữu Vui cùng thầy giáo Lại Văn Toàn (từ Khoa Pháp lý) đi thực tập sinh tại Liên Xô. Đến năm 1982, các thầy trở về công tác tại Khoa một thời gian ngắn. Sau đó, thầy giáo Nguyễn Hữu Vui được điều động sang làm Chủ nhiệm Bộ môn Mác - Lênin của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, còn thầy giáo Lại Văn Toàn chuyển công tác về Viện Thông tin Khoa học Xã hội. Đặc biệt là, trong các năm từ 1981 đến 1986 đội ngũ cán bộ Khoa đã được bổ sung từ những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi giữ lại Khoa làm công tác giảng dạy, đó là các thầy giáo: Nguyễn Khắc Hiếu, Đỗ Thế Thiệp, Nguyễn Thạc Dũng (năm 1981), Phạm Văn Chung, Trần Ngọc Liêu (năm 1984), Nguyễn Thanh Bình (năm 1985), Trương Hải Cường (năm 1986). Về công tác tại Khoa còn có các cô giáo Lưu Thị Thịnh (từ Khoa Dự bị), Mai Thị Kim Thanh (từ Khoa lý luận và Lịch sử nghệ thuật - Trường Đại học Mỹ Thuật), Hoàng Tố Hằng (Từ khoa Tâm lý - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I) vào năm 1983, và các thầy giáo: Vũ Hào Quang (học từ Liên Xô về) vào năm 1984, Lương Gia Tĩnh (từ khoa Lịch sử) vào năm 1985.

Được sự tăng cường đội ngũ cán bộ nên từ năm 1983 Khoa có điều kiện phát triển cơ cấu tổ chức, thành lập các bộ môn. Các bộ môn đầu tiên là Chủ nghĩa Duy vật biện chứng, Chủ nghĩa Duy vật lịch sử, Lịch sử Triết học, Tâm lý học.

Việc xây dựng các bộ môn là một bước phát triển quan trọng trong quá trình đào tạo của Khoa giai đoạn này. Mặc dù thời kỳ đầu, số lượng cán bộ của mỗi bộ môn còn ít, đa phần là cán bộ trẻ nhưng đã tạo tiền đền rất cần thiết cho hướng phát triển của Khoa trong những năm sau.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây