Hoạt động đào tạo hiện nay của Khoa Triết học

Thứ tư - 10/03/2021 13:52
Với đội ngũ hơn 30 cán bộ giảng viên, Khoa triết học hàng năm đảm nhận giảng dạy học phần Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin cho sinh viên và học phần Triết học dành cho sau đại học của tất cả các đơn vị và các hệ đào tạo thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (số giờ dạy cho hai đối tượng này năm học 2015 – 2016 lần lượt là 10927 và 1680 giờ) cộng thêm số giờ lên lớp cho sinh viên đào tạo chuẩn và chất lượng cao ngành triết học và sau đại học các chuyên ngành Triết học và Chủ nghĩa xã hội của Khoa (tương ứng mỗi năm khoảng 1500 và 950 giờ). Cộng tất cả chia bình quân cho 30 cán bộ giảng dạy, thì mỗi người trong 1 năm dạy khoảng 500 giờ (gấp 2,5 so với định mức).

* Đại học: Năm 2006 cùng với toàn Trường, Khoa đã bắt đầu chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ và năm 2008 đã hoàn toàn chuyển sang đào tạo theo tín chỉ một cách toàn diện. Đó là khoảng thời gian chuyển đổi nên có rất nhiều khó khăn, vất vả, chưa quen với cách dạy và học mới, song thầy và trò Khoa Triết học đã luôn nỗ lực vươn lên, vượt khó hoàn thành mọi nhiệm vụ một cách tốt nhất.
Từ chương trình đào tạo theo tín chỉ đầu tiên năm 2008, đã có hai lần chỉnh sửa (vào các năm 2012 và 2015) khung chương trình theo hướng trang bị cho sinh viên kiến thức triết học cập nhật, hiện đại theo các định hướng nghiên cứu khoa học ưu tiên của Khoa và bám sát thực tiễn hơn.
Trong 40 năm qua Khoa đã phấn đấu không ngừng để mở rộng quy mô đào tạo, cho đến nay Khoa đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo 37 khóa sinh viên hệ chính quy với khoảng 2360 sinh viên đã tốt nghiệp; hơn 10 khóa sinh viên tại chức với khoảng 1225 (cả ngành Triết học, Quản lý xã hội, và định hướng Tôn giáo học) đã tốt nghiệp; hàng trăm người học chuyển đổi và bồi dưỡng ngắn hạn đã được nhận chứng chỉ. Hiện nay, Khoa Triết học đang đào tạo 200 sinh viên chính quy thuộc hai hệ đào tạo chuẩn và chất lượng cao.
Năm 2015 Chương trình đào tạo Chất lượng cao Triết học đã được kiểm định chất lượng đồng cấp và được đánh giá ở mức khá.
Trong những ngày này khoa đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị kéo dài hàng năm trời và đang chờ đón đoàn AUN đến làm việc tại Trường và Khoa (từ 26 - 28/10/2016) đánh giá toàn bộ chương trình đào tạo cử nhân triết học theo các tiêu chuẩn của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á.
Năm học 2016 - 2017 đã là khóa đào tạo thứ 41 của Khoa. Nếu các sinh viên khóa đầu đã khẳng định sự trưởng thành của mình trong rất nhiều lĩnh vực xã hội một cách xuất sắc, thì sinh viên các khóa gần đây cũng không ngừng nỗ lực học tập, phấn đấu, thực sự hăng say, yêu thích triết học, đạt được thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học. Có những em ra trường với bằng tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi đã được giữ lại trường công tác, hoặc trúng tuyển vào các viện nghiên cứu hay các trường đại học lớn tại Hà Nội và các địa phương khác trên cả nước. Điều đó chứng tỏ triết học là một ngành học có tính thực tiễn cao và địa bàn công tác khá rộng, nếu thực sự đam mê và có năng lực thì các em sinh viên hoàn toàn có thể đem kiến thức của mình áp dụng vào nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa - chính trị, đóng góp vào sự phát triển không ngừng của đất nước.  
* Sau đại học: Khoa cũng đã có nỗ lực to lớn không ngừng trong việc mở rộng các chuyên ngành đào tạo sau đại học. Từ năm 2005 đã mở thêm các chuyên ngành đào tạo thạc sĩ Chủ nghĩa xã hội khoa học và Tôn giáo học. Năm 2008 mở thêm chuyên ngành đào tạo tiến sĩ Chủ nghĩa xã hội khoa học, từ năm 2015 chương trình đào tạo tiến sĩ Tôn giáo học đã đi vào vận hành. Như vậy, ở thời điểm hiện tại (2016) Khoa Triết học đang vận hành 3 chương trình đào tạo thạc sĩ và tương ứng là 3 chương trình đào tạo tiến sĩ. Đã có 21 khóa cao học (trong tổng số 23 khóa) với trên 500 học viên đã bảo vệ luận văn và hơn 100 NCS đã bảo vệ thành công luận án ở các chuyên ngành khác nhau. Hiện nay đang có trên 50 học viên cao học và gần 70 NCS đang theo học tại Khoa. Cũng giống như đào tạo cử nhân, đào tạo sau đại học cũng đã chuyển sang phương thức tín chỉ từ năm 2008 và từ đó đến năm 2015 cũng đã có tới 3 lần chỉnh sửa, thay đổi, bổ sung khung chương trình, các học phần theo hướng cập nhật tri thức và nâng cao hơn nữa chất lượng luận văn, luận án được bảo vệ.   
* Hệ thống học liệu: Mỗi lần thay đổi phương thức đào tạo và nhất là chỉnh sửa lại khung chương trình đào tạo các bậc học lại là một lần chỉnh sửa lại đề cương chi tiết các học phần bám sát chuẩn đầu ra của toàn chương trình đào tạo và của từng môn học. Chỉ tính riêng năm năm gần đây đã có hàng trăm đề cương chi tiết được cán bộ giảng viên Khoa và kiêm nghiệm viết và tương ứng là số lượng đó bài giảng được biên soạn và nghiệm thu làm tài liệu học tập cho sinh viên, người học sau đại học. Trong khoảng thời gian đó cán bộ của Khoa đã xuất bản hàng chục giáo trình đại học và sau đại học, nhiều trong số chúng liên tục được tái bản (như giáo trình Logic học đại cương, Giới thiệu tác phẩm kinh điển triết học Mác – Lênin, Giáo trình triết học phương Tây hiện đại…).

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây