Thông báo mở khóa học miễn phí về Triết học phân tích

Thứ ba - 16/07/2024 10:40
Xin chào các giảng viên, các nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên cao học và những người quan tâm! Tháng 8/2024, Khoa Triết học (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) mở một khóa học miễn phí về triết học phân tích với chủ đề “CƠ SỞ TRIẾT HỌC PHÂN TÍCH: FREGE, RUSSELL, WITTGENSTEIN” do TS. Trịnh Hữu Tuệ và GS. Ngô Bảo Châu đứng lớp.
kX2hePX6OnA8yS MexZk2TChM6N0SusDOxRJygXa5z2Qzw04bpLjbaPS5 Aew1ABBlf4qsKnBR QJvqkQMmjGfez7ItBU6CYmZMa1lXXTn YrSjadf1 nh5EAPxtJ5W3OeH3 A
 
MỤC TIÊU CỦA KHÓA HỌC:

Triết học phân tích là (một trong những) trường phái thống lĩnh của triết học hàn lâm đương đại, đặc biệt tại các quốc gia nói tiếng Anh. Đặt nền móng cho triết học phân tích là các ý tưởng đột phá về toán và ngôn ngữ của Gottlob Frege, mà sau này được Bertrand Russell và Ludwig Wittgenstein triển khai và ứng dụng một cách sáng tạo để trả lời các câu hỏi rộng lớn hơn về bản thể, luận lý, khoa học, mỹ học, và cái huyền bí, bên cạnh các câu hỏi triết học khác. Trong khoá học này, chúng ta sẽ dành phần lớn thời gian để đọc và phân tích kỹ lưỡng ấn phẩm được coi là tuyệt tác của Frege: ‘Die Grundlagen der Arithmetik’ (‘Các Cơ sở của Số học’), xuất bản lần đầu năm 1884. Sau đó, chúng ta sẽ thảo luận bài báo ‘On Denoting’ (‘Về trực chỉ’) của Russell, xuất bản lần đầu năm 1905 trên tạp chí Mind và được nhiều học giả coi là ‘hình mẫu của triết học’ (‘paradigm of philosophy’). Phần cuối của khoá học sẽ tập trung vào luận án tiến sĩ kỳ lạ của Wittgenstein: ‘Logisch-philosophische Abhandlung’, xuất bản lần đầu năm 1921 dưới dạng một chuyên đề của tạp chí Biên niên sử Triết học Tự nhiên (Annalen der Naturphilosophie), và thường được biết đến dưới tiêu đề la-tinh của bản dịch tiếng Anh là ‘Tractatus Logico-Philosophicus’, hay đơn giản là ‘Tractatus’.

ĐỐI TƯỢNG THAM GIA KHÓA HỌC:

Khoá học này hướng tới các giảng viên, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên cao học, những người quan tâm, nhưng không loại trừ những sinh viên thuộc các trình độ khác. Thảo luận trên lớp, về nguyên tắc, không đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể nào. Các tài liệu cần đọc sẽ được tải lên mạng hoặc gửi qua email. Học viên được dự kiến là sẽ cố gắng đọc các tài liệu này trong khả năng và điều kiện cho phép. Các khái niệm cũng như các tiền giả định cần thiết để hiểu các nội dung chủ chốt sẽ được giải thích trên lớp.

LỊCH TRÌNH CỦA KHÓA HỌC:

Khoá học diễn ra vào các ngày thứ Hai, thứ Ba và thứ Tư trong tuần, gồm 12 buổi, khai mạc vào thứ Hai (05.08.2024) và kết thúc vào thứ Tư (28.08.2024).
Các buổi học bắt đầu lúc 9 giờ sáng và kết thúc lúc 11h30 trưa.

HÌNH THỨC VÀ ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC HỌC:

Khóa học không thu phí.
Hình thức học: Trực tiếp
Địa điểm: Khoa Triết học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, Tầng 4, nhà B, số 336, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

GIỚI THIỆU GIẢNG VIÊN:

Trịnh Hữu Tuệ nhận bằng tiến sĩ (PhD) từ Viện Công nghệ Massachusetts và bằng tiến sĩ khoa học (Habilitation) từ Đại học Humboldt. Trọng tâm nghiên cứu của anh là cú pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng, và triết học thời kỳ đầu của Wittgenstein. Các tạp chí anh đã từng đăng bài bao gồm Synthese, Linguistics & Philosophy, Natural Language Semantics, và Journal of Pragmatics.

Khoá học sẽ có sự tham gia của GS Ngô Bảo Châu với tư cách khách mời thuyết trình trong phần cuối của phân khúc về Frege, khi tiêu điểm thảo luận là mối liên kết giữa các kết quả của Frege và các tiên đề về số tự nhiên của Giuseppe Peano cũng như vị trí của các tiên đề này, đặc biệt là tiên đề về quy nạp, trong số học.

Xem lịch trình học tập ở file đính kèm phía dưới!
 

Tác giả: PHILOSOPHY

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây