Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của Cố Giáo sư Trần Đức Thảo

Thứ tư - 31/03/2021 22:59
Nhiều người biết đến Trần Đức Thảo chủ yếu thông qua việc tìm hiểu các công trình nghiên cứu của ông, những công trình không chỉ đạt tới tầm cao giá trị khoa học mà còn có giá trị thực tiễn phục vụ cho cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Song có lẽ, ít người biết về cuộc đời nhiều bôn ba và sự nghiệp đầy tâm huyết của Giáo sư cống hiến cho nền giáo dục nước nhà, đặc biệt là với khoa học triết học, sự cống hiến cho đến những giây phút cuối cùng trong cuộc đời của ông.
Giáo sư Trần Đức Thảo sinh ngày 26-09-1917, tại xã Song Tháp, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Nhiều người biết đến Trần Đức Thảo chủ yếu thông qua việc tìm hiểu các công trình nghiên cứu của ông, những công trình không chỉ đạt tới tầm cao giá trị khoa học mà còn có giá trị thực tiễn phục vụ cho cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Song có lẽ, ít người biết về cuộc đời nhiều bôn ba và sự nghiệp đầy tâm huyết của Giáo sư cống hiến cho nền giáo dục nước nhà, đặc biệt là với khoa học triết học, sự cống hiến cho đến những giây phút cuối cùng trong cuộc đời của ông.
 

Ở tuổi 26, Trần Đức Thảo đỗ thủ khoa thi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm phố D’Ulm (nước Pháp) với đề tài: Phương pháp hiện tượng luận của Husser.

Và nhiều năm sau đó, cả trong hoạt động thực tiễn với tư cách là một người Việt Nam yêu nước và trong hoạt động khoa học của bản thân, nhất là qua 5 cuộc tranh luận với J.P.Satre về chủ nghĩa hiện sinh và về chủ nghĩa Mác vào năm 1950, tại Pháp, Trần Đức Thảo đã đến với lập trường duy vật biện chứng và kiên định bảo vệ chủ nghĩa Mác.

Trần Đức Thảo đến với lập trường duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác với tư cách là người đã tìm thấy trong đó câu trả lời cho những trăn trở về thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận của bản thân ông, bạn bè ông và của cả dân tộc Việt Nam đang tự trỗi dậy để khẳng định mình.

Để thực sự trở thành một nhà triết học duy vật biện chứng, Trần Đức Thảo đã phải tự mình thoát thai hai lần về mặt tư duy. Lần thứ nhất là thoát khỏi vòng cương tỏa của những giới hạn tư duy phong kiến phương Đông, và lần thứ hai là thoát khỏi những vòng nguyệt quế giả tạo của triết học tinh thần tư sản Tây Âu.

Từ tác phẩm: Từ hiện tượng luận tinh thần đến chủ nghĩa duy vật biện chứng (1951) đến Tìm về cội nguồn ngôn ngữ và ý thức (1973) là giai đoạn trưởng thành toàn diện của nhà triết học mácxít Trần Đức Thảo.

Dù được đào tạo trở thành nhà sư phạm từ nước Pháp vào những năm 40 của thế kỷ XX, nhưng với mục đích và nội dung dạy học mang lý tưởng vừa nhân văn vừa hiện thực, Trần Đức Thảo đã tình nguyện gia nhập vào đội ngũ những nhà sư phạm của cách mạng Việt Nam. Khi còn đang ở Pháp, ông đã viết Triết học giản yếu bằng tiếng Việt gửi về Việt Nam.

Cuối năm 1951, để thiết thực sử dụng những tri thức khoa học đã tích lũy được, với mong mỏi sớm được đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, Trần Đức Thảo đã về Việt Nam theo con đường Paris – Praha – Mátxcơva – Bắc Kinh – Việt Bắc.

Tại Việt Bắc, Trần Đức Thảo được Trung ương Đảng và Bộ Giáo dục giao nhiệm vụ nghiên cứu về tình hình các trường học ở Việt Bắc và đến năm 1953, ông làm việc tại Văn phòng của đồng chí Trường Chinh – Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Trần Đức Thảo đã trực tiếp tham gia xây dựng nền đại học cách mạng trên tư cách Phó Giám đốc Trường Đại học Sư phạm Văn khoa; Chủ nhiệm Khoa Lịch sử và Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử triết học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tư cách người thầy của Trần Đức Thảo không chỉ nhận được từ những học trò trực tiếp, mà còn nhận được một cách rộng rãi từ những người trưởng thành lên qua việc tiếp cận với tác phẩm của ông, kế thừa được tinh thần làm việc hết mình và tư duy khoa học mẫu mực của ông.

Những năm 70 và 80 của thế kỷ XX, dù đất nước đang trong hoàn cảnh chiến tranh và những khó khăn bộn bề của sự nghiệp vừa mới bắt đầu, trong hoàn cảnh thiếu thông tin khoa học của thế giới, nhưng với sự tận tâm, tận lực vì khoa học, Trần Đức Thảo vẫn vượt lên và để lại cho dân tộc, cho nền khoa học nước nhà những tác phẩm lớn có giá trị cao mà tiêu biểu là: Tìm về cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức (1973); Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người” (1988).

Ngày 19-04-1993, Giáo sư Trần Đức Thảo đã qua đời vì bệnh trọng tại Cộng hòa Pháp. Một nhà khoa học, nhà sư phạm lớn của dân tộc đã vĩnh viễn ra đi nhưng những cống hiến của ông cho Tổ quốc và tấm gương mẫu mực về nhân cách của một nhà khoa học vẫn sống mãi.

Có thể nói, Giáo sư Trần Đức Thảo đã đi vào lịch sử nền khoa học và đại học cách mạng Việt Nam như là người đã và đang dìu dắt nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam vững bước “bước lên vũ đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Tấm Huân chương Độc lập hạng Hai (1993) và Giải thưởng Hồ Chí Minh (2000) mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Giáo sư Trần Đức Thảo là biểu hiện sự ghi nhận của Tổ quốc và nhân dân ta đối với những cống hiến to lớn và tấm gương mẫu mực của nhà khoa học – nhà giáo Trần Đức Thảo.

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây