GS. Phạm Như Cương - từ tinh thần yêu nước đến con đường của một nhà lý luận mácxít

Thứ năm - 13/10/2022 18:49
Trong hội thảo kỷ niệm 30 năm thành lập Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2006, GS. Phạm Như Cương đã đến dự, chia sẻ, chung vui trước sự lớn mạnh, bề thế của Khoa. Một vấn đề mà ông nêu ra tại hội thảo được đông đảo các nhà khoa học tán đồng và cũng là nỗi trăn trở lớn của ông sau gần 50 năm nghiên cứu triết học: đó là phải thay đổi cách thức đào tạo Triết học giúp người đọc có được một phương pháp tư duy đúng đắn để có thể tự mình suy nghĩ một cách chủ động, độc lập, sáng tạo. Sản phẩm của đào tạo triết học không nên chỉ là những người có khả năng nghiên cứu, mà còn phải có khả năng tư duy để cho ra đời những luận điểm, học thuyết, trường phái triết học mới, làm cơ sở, thế giới quan cho việc phát triển các ngành khoa học xã hội nhân văn nói riêng và cho đường hướng phát triển của dân tộc, của đất nước nói chung.
Giáo sư Phạm Như Cương sinh năm 1928 tại Thượng Truy, xã Nam Kinh, huyện Nam Đàn, một vùng đất học nổi tiếng là nơi sản sinh ra nhiều bậc hiền tài cho đất nước.

Quê ông có nghề trồng bông, dệt vải và là vùng đất hát phường vải có tiếng, có món canh dắt (một loại hến nhỏ) và bánh tráng kẹp kê, kẹp dắt mà ông mê từ hồi còn nhỏ. Bản tính cương trực, không màng danh lợi, tinh thần ham học vượt khó của người xứ Nghệ đã ngấm sâu và trở thành một cốt tính đặc biệt của con người ông, như một câu thơ mà TS. Nguyễn Lân Cường, con trai GS.NGND Nguyễn Lân đã làm tặng ông nhân dịp ông 70 tuổi:

“Không thể quên thầy, con người cương trực
Như tên thầy - cha mẹ đặt cho
Bảy mươi năm - một thoáng trôi qua!
Không hổ thẹn về những ngày đã sống
Cuộc đời thầy là những trang sôi động,
Để lại trong em những dấu ấn không nhoà...”

Thuở thiếu thời, sống trong những ngày tháng sục sôi khí thế đấu tranh cách mạng, tuy chưa được tiếp xúc trực tiếp với cách mạng nhưng những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc sống hàng ngày sớm nhắc nhở cậu bé Cương về thân phận của người dân mất nước. Nền giáo dục hấp thụ được trong nhà trường Pháp - Việt cũng để lại cho cậu ý thức sâu sắc về tự do, dân chủ. Cậu căm ghét những áp bức, sách nhiễu của tầng lớp quan chức trong xã hội và mơ ước sau này làm một nghề nào đó tự do chứ không làm công chức cạo giấy, “sớm vác ô đi, tối vác ô về” trong chế độ bảo hộ hay guồng máy cai trị của Nam triều.
 

GS. Phạm Như Cương - từ tinh thần yêu nước đến con đường của một nhà lý luận Mác xít

Năm 1944, sau khi đậu bằng thành chung ở Trường Quốc học Huế, ông ra Hà Nội học ở Trường Văn Lang. Trong một lần đi ca nô từ Tuyên Quang xuôi về Hà Nội, khi đến Đoan Hùng thì một đội vũ trang tuyên truyền của Việt Minh lên ca nô phát truyền đơn và kêu gọi mọi người tham gia hoạt động cứu nước. Điều gây ấn tượng mạnh với cậu thanh niên trẻ Phạm Như Cương là trong đội có chị thanh niên người Thổ (nay gọi là Tày) mặc áo chàm xanh, quần đen ống chẽn, vai khoác khẩu tiểu liên Sten, làm nhiệm vụ hỗ trợ, bảo vệ cho đội. Cậu tự lấy làm xấu hổ vì hoá ra mình là một trang nam nhi có học mà không bằng một bà thanh nữ người dân tộc. Ý nghĩ phải tìm gặp Việt Minh càng thôi thúc cậu.

Rủ bạn bè cùng đi tìm Việt Minh nhưng không ai dám. Một mình, cậu tìm gặp người thầy giáo cũ dạy mình hồi lớp nhất bậc Tiểu học, là chủ nhiệm Việt Minh phủ Anh Sơn quê cậu và đề đạt nguyện vọng của mình, nhờ anh giúp đỡ. Rất nhanh chóng, cậu được sắp xếp tham gia hoạt động trong giới thanh niên, học sinh. Kỷ niệm đáng nhớ đầu tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của cậu là được phân công làm diễn giả của Việt Minh trong cuộc mít tinh công khai có mấy trăm quần chúng tham dự ở sân vận động Đô Lương. Hôm đó, dựa vào khí thế mạnh mẽ của tổ chức Tự vệ và của quần chúng, cậu đã bình tĩnh, khôn khéo đối phó với một đội lính Nhật kéo ra uy hiếp hòng phá vỡ cuộc mít tinh. Có thể coi như cậu đã vượt qua một cách thắng lợi thử thách đầu tiên trong cuộc đời làm cách mạng.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Phạm Như Cương trốn nhà vào bộ đội. Suốt 8 năm lửa đạn (1946 - 1954), anh đã lăn lộn khắp các mặt trận ác liệt nhất của tỉnh Quảng Trị. Anh đã giữ nhiều cương vị quan trọng trong quân đội như: Trưởng phòng Chính trị Mặt trận Bình Trị Thiên, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 325, rồi vượt Trường Sơn hiểm trở, sang làm Phó chủ nhiệm Chính trị Mặt trận Trung Lào. Những năm tháng ấy khốc liệt nhưng thật đẹp đẽ. Anh được tôi luyện, trưởng thành qua chiến đấu, qua công tác, được gần gũi nhiều vị tướng, tá can trường, mưu lược như Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Trần Văn Quang, Trần Quý Hai, Hà Văn Lâu, Trần Sâm, Hoàng Sâm, Lê Nam Thắng... Trong thời gian này, những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin: “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, “Chủ nghĩa đế quốc - giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”... bắt đầu được anh mày mò, tìm kiếm, nghiên cứu dù nhận thức chính trị lúc bấy giờ chưa cho phép anh hiểu sâu sắc những lý luận ấy.

Năm 1954, một bước ngoặt quan trọng đến với cuộc đời Phạm Như Cương. Anh có tên trong danh sách đoàn cán bộ trung, cao cấp trong và ngoài quân đội được Trung ương cử sang học tại Trường Đảng cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc về chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đây, mở đầu thời kỳ mới trong hành trình nhận thức lý luận của anh. Anh chính thức được Đảng lựa chọn để đào tạo trở thành một nhà lý luận mác xít. Lần đầu tiên anh được tiếp xúc một cách có hệ thống về các quan điểm triết học Mác - Lênin, kinh tế chính trị học Mác - Lênin, về xây dựng Đảng, kinh nghiệm hoạt động từ Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Năm 1956, anh về nước lúc tình hình chính trị hết sức phức tạp. Sau những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, Đảng ta bắt đầu sửa sai. Thực tế ấy đặt ra nhu cầu bức thiết phải nâng cao trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên lên một bước. Đảng có chủ trương chuyển việc học tập ở trường Đảng Nguyễn Ái Quốc từ học tập đường lối, chính sách là chủ yếu sang học tập một cách có hệ thống các bộ môn cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Để hình thành bộ khung cán bộ cho các môn học mới, cùng nhiều đồng chí khác, Phạm Như Cương được điều động về Bộ môn Triết học, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Anh chính thức tham gia công tác nghiên cứu và giảng dạy lý luận. Hai khoá học đầu, để có kinh nghiệm, anh làm trợ giảng cho các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc.

Năm 1960, khi là Trưởng khoa Khoa Triết học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, anh tiếp tục được cử đi nâng cao trình độ tại Trường Đảng cao cấp Liên Xô. Đây là cái nôi có bề dày truyền thống về đào tạo, bồi dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin. Nghe những bài giảng “lựa theo chiều gió” của một số giáo sư Nga qua lời phiên dịch tiếng Pháp, lần đầu tiên anh cảm thấy không thể tin tưởng tuyệt đối vào thầy. Đâu phải những gì thầy giảng đều là “chân lý muôn đời”.

Về nước, tháng 5.1964, Phạm Như Cương nhận được quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng cử làm Viện trưởng Viện Triết học khi mới 36 tuổi. Trách nhiệm nặng nề ấy làm ông băn khoăn, lo lắng, nhất là khi ấy, ngành Triết học còn quá mới mẻ. Tình hình Viện Triết học lại đang có nhiều vấn đề phức tạp về công tác tư tưởng, cán bộ. Một số cán bộ cốt cán của Viện tán thành quan điểm xét lại của Khơrútxốp, từ đó phê phán thái độ, quan điểm của Đảng ta trong cuộc tranh luận Xô - Trung đang diễn ra gay gắt lúc bấy giờ.

Trong tình hình đang có những chia rẽ sâu sắc về quan điểm, đường lối của phong trào cộng sản quốc tế và sự phản ánh nói trong nội bộ Đảng ta, trách nhiệm của Phạm Như Cương lúc bấy giờ là phải thay đổi được định hướng chính trị của Viện, bảo đảm Viện Triết học phải là một cứ điểm tin cậy của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận; Làm thế nào để, ổn định được tư tưởng cán bộ, đoàn kết được cơ quan và đề ra được chương trình công tác mới của Viện để lôi cuốn anh em vào công việc? Viết về giai đoạn khó khăn này, cuốn sách “Viện Triết học, 35 năm xây dựng và trưởng thành” xuất bản năm 1997, nhận xét: “Trong tình hình phức tạp lúc bấy giờ, bằng thái độ thận trọng, khách quan, trung hậu của mình, đồng chí Phạm Như Cương đã đoàn kết được toàn Viện, từng bước ổn định tình hình, khuyến khích tạo điều kiện cho mọi người làm việc, từng bước ổn định đưa Viện vào các đề tài nghiên cứu khác nhau... Bài học lớn nhất của giai đoạn 1964 - 1975 là: lấy tư tưởng của Đảng làm chỗ đứng, lấy việc hoàn thành nhiệm vụ công tác chuyên môn làm chất kết dính, vừa đoàn kết, vừa đấu tranh... Và để thực hiện được những điều nói trên, thái độ thận trọng, khách quan, bao dung và dũng cảm của người đứng đầu cơ quan và thái độ của tất cả cán bộ biết vượt lên trên những định kiến hẹp hòi, mặc cảm trong quan hệ cá nhân để hợp tác với nhau trong sự nghiệp chung là có ý nghĩa quyết định”.

Trong thời gian công tác tại Viện Triết học, ngoài công việc quản lý, về mặt nghiên cứu khoa học, GS. Phạm Như Cương đi vào các lĩnh vực: chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, đấu tranh với ý thức hệ tư sản và văn hoá chủ nghĩa thực dân mới miền Nam Việt Nam. Ông cũng tham gia Tiểu ban Các vấn đề Chính trị thuộc Ban Lý luận Trung ương, được phân công viết về lý luận thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Vào những năm 70, trong nước đã có một hệ thống cơ sở giảng dạy, đào tạo cán bộ về chủ nghĩa Mác - Lênin với Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc làm nòng cốt. Ở một số trường đại học, cao đẳng cũng có bộ môn chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó có Bộ môn Triết học. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học và của đội ngũ trí thức khoa học nước ta lúc bấy giờ đã đặt ra yêu cầu phải đào tạo ở bậc đại học chính khoá về các chuyên ngành Mác - Lênin. Vào tháng 9.1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định thành lập các khoa Triết học, Kinh tế Chính trị học, Luật học ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Các viện trưởng các viện Triết học, Kinh tế Chính trị học, Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội được cử làm Chủ nhiệm kiêm nhiệm các khoa tương ứng. Điều đó cũng xuất phát từ quan điểm kết hợp chặt chẽ việc giảng dạy với nghiên cứu, thống nhất tổ chức giảng dạy và tổ chức nghiên cứu. GS. Phạm Như Cương lúc bấy giờ là Viện trưởng Viện Triết học được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Khoa Triết học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Việc xây dựng Khoa Triết học thời gian đầu gặp khá nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất nghèo nàn, đội ngũ cán bộ phải tổ chức, sắp xếp lại trên cơ sở điều động giáo viên từ Viện, từ các tổ bộ môn khác sang. Công việc chính ở Viện Triết học cùng hoạt động kiêm nhiệm ở một số đơn vị khác làm ông luôn bận rộn. Nhớ lại những ngày ấy, GS. Phạm Như Cương vẫn thầm cảm ơn những anh chị: Dương Phú Hiệp, Nguyễn Quang Thông, Nguyễn Hữu Vui, Nguyễn Đình Xuân, Nguyễn Anh Lịch... là những người đã dành nhiều thời gian và công sức giúp ông đặt những viên gạch đầu tiên làm nền móng cho Khoa Triết học. Họ đã làm việc nhiệt tình, hết mình. Một phần vì họ cảm nhận được tầm quan trọng và vinh dự khi là những người đầu tiên góp sức cho sự ra đời một ngành đào tạo mới, chính quy ở một trường đại học danh tiếng bấy giờ. Một phần vì họ tin tưởng, yêu mến người lãnh đạo, vị chủ nhiệm khoa có uy tín về chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức, hết lòng vì công việc chung, sống ngay thẳng, tình cảm với mọi người xung quanh.

Tuy nhiên, trong giai đoạn sơ khai thành lập Khoa Triết học lúc bấy giờ, có một mâu thuẫn lớn tồn tại trong thực tế giữa một bên là ý muốn thực lòng của lãnh đạo coi các bộ môn Mác - Lênin là các bộ môn cơ bản có vị trí quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp đào tạo đại học với một bên là vị trí thấp kém của các bộ môn đó trong nhà trường từ đội ngũ giảng dạy cho đến sinh viên. Nguyên nhân chính là do chủ trương đúng đắn đó không được đảm bảo bằng một hệ thống các biện pháp thực thi có hiệu quả. Ẩn dấu trong chiều sâu những nguyên nhân đó là một nhận thức chưa đúng về mối quan hệ giữa tính chính trị và tính khoa học của các bộ môn Mác - Lênin. Thẳng thắn nhận xét, GS. Phạm Như Cương cho rằng vấn đề này đã được nêu lên với Trường, với Bộ nhưng không có kết quả, dẫn đến khuynh hướng chạy theo số lượng, mở thêm các chuyên ngành mới ở khoa vẫn chi phối việc xây dựng, tăng cường khoa.

Trên danh nghĩa là Chủ nhiệm khoa kiêm nhiệm cho đến năm 1988, nhưng từ năm 1978 GS. Phạm Như Cương đã được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội. Năm 1981, ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng ban Khoa giáo Trung ương phụ trách về khoa học xã hội. Năm 1985, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội. Công việc nặng nề nên thời gian của ông dành cho Khoa không được nhiều. Công việc của Khoa chủ yếu do các phó chủ nhiệm và các anh chị cán bộ của khoa lúc bấy giờ đảm trách.

Cho đến nay, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Khoa đã có một bước phát triển dài. Nhiều sinh viên của Khoa đã bổ sung cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên huấn, nghiên cứu, giảng dạy Triết tại các Viện nghiên cứu, các trường đại học và nhiều cơ quan khác. Nhiều người đã trưởng thành và đảm nhận nhiều vị trí cốt cán ở Trung ương và các đơn vị. Những chuyên ngành mới được mở, số lượng sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh ngày càng tăng. Khoa Triết học cũng là cái nôi nuôi dưỡng cho nhiều chuyên ngành khác ra đời như: Tâm lý học, Xã hội học, Khoa học Quản lý... Trong hội thảo kỷ niệm 30 năm thành lập Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa qua, GS. Phạm Như Cương đã đến dự, chia sẻ, chung vui trước sự lớn mạnh, bề thế của Khoa. Một vấn đề mà ông nêu ra tại hội thảo được đông đảo các nhà khoa học tán đồng và cũng là nỗi trăn trở lớn của ông sau gần 50 năm nghiên cứu triết học; đó là phải thay đổi cách thức đào tạo Triết học giúp người đọc có được một phương pháp tư duy đúng đắn để có thể tự mình suy nghĩ một cách chủ động, độc lập, sáng tạo. Sản phẩm của đào tạo triết học không nên chỉ là những người có khả năng nghiên cứu, mà còn phải có khả năng tư duy để cho ra đời những luận điểm, học thuyết, trường phái triết học mới, làm cơ sở, thế giới quan cho việc phát triển các ngành khoa học xã hội nhân văn nói riêng và cho đường hướng phát triển của dân tộc, của đất nước nói chung.

GS. Phạm Như Cương từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, đại biểu Quốc hội, rồi Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông chủ trì và tham gia nhiều hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế, từng đi thăm và thuyết trình tại nhiều trường đại học ở Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan... Công việc quản lý bận rộn nhưng ông vẫn cần mẫn nghiên cứu khoa học. Ông là tác giả, đồng tác giả, chủ biên 10 cuốn sách, trong đó có 4 cuốn xuất bản ở Matxcơva. Có những cuốn đáng chú ý như: “Góp phần vào việc đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội” (1993), “Sự truyền bá của chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam” (1993), “Phê phán ý thức hệ và chính trị của chủ nghĩa thực dân mới” (1984), “Những vấn đề kinh tế của sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở các nước kém phát triển về kinh tế” (1986), “Triết học - Khoa học tự nhiên - Cách mạng khoa học - kỹ thuật” (1987), “Đổi mới phong cách tư duy” (1999).

Ông cũng tham gia thực hiện nhiều đề tài trọng điểm cấp Nhà nước như: “Về mô hình chủ nghĩa xã hội Xô Viết thời Stalin” (1994 - 1995), “Quan niệm về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho đến trước đổi mới” (1994 - 1995), “Thực tiễn và lý luận của Stalin về vấn đề nhà nước xã hội chủ nghĩa” (1993 - 1994), “Chính sách kinh tế mới của Lênin và việc vận dụng vào đổi mới ở nước ta” (1996), “Đổi mới nhận thức về lịch sử phát triển của học thuyết Mác” (1996).

Từ năm 1985 đến nay, ông là Uỷ viên Hội đồng quốc tế về Triết học Mác - Lênin. Năm 1990, ông viết đơn xin rút khỏi các chức vụ chủ chốt để chuyên tâm hơn cho nghiên cứu khoa học. Gần đây, giới trí thức nước ta chú ý đến những công trình mới của ông về tác hại của chủ nghĩa giáo điều, làm xơ cứng và vô hiệu hoá chủ nghĩa Mác. “Nhận diện cho đúng chủ nghĩa giáo điều, làm xơ cứng và vô hiệu hoá có hệ thống” là một đề xuất có tính thời sự của GS. Phạm Như Cương.

Năm nay đã vào tuổi 78, GS. Phạm Như Cương vẫn tham công tiếc việc. Ở một độ chín của tuổi tác, kinh nghiệm và chuyên môn, ông lại cảm nhận được thêm bao điều từ chính những kiến thức sách vở mà mình từng nghiên cứu. Đọc lại những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác, đôi khi ông lại “giật mình” và “ân hận” vì cảm thấy có những điều sâu sắc như vậy mà trước đây đọc mình không ngẫm nghĩ ra. Theo ông, người làm công tác khoa học phải chuyên cần làm giàu tri thức của mình bằng cách đọc sách, nơi lưu giữ tri thức nhân loại tích luỹ nhưng không phải là dựa dẫm, giam hãm tư tuy của mình trong câu, chữ của các bậc đi trước. Làm khoa học, cần có tính độc lập trong tư duy và hướng tới việc sáng tạo, khám phá chân lý khách quan. Ông vẫn thường tâm đắc với câu nói của Ph. Ăngghen mà ông tâm đắc: “Lịch sử khoa học là lịch sử của sự gạt bỏ dần dần những điều ngu ngốc... hay là sự thay thế những điều ngu ngốc đó bằng những điều ngu ngốc mới, nhưng ngày càng ít phi lý hơn”. Và trong cả cuộc đời, cả sự nghiệp của mình, ông đã hết lòng sống, làm việc và cống hiến vì chân lý đó./.
Lê Thanh Hà [100 Years-VietNam National University,HaNoi]
 

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây